Ai nói học Nghề không thể làm lãnh đạo?

Ai nói học Nghề không thể làm lãnh đạo?
Người học nghề vẫn có thể làm lãnh đạo
 Theo ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ, TB&XH), xu hướng các bạn trẻ sau khi tốt nghiệp THPT chọn học nghề thay vì thi Đại học đang gia tăng.

 
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Cao Văn Sâm
 
Ông có nhận định gì về xu hướng học nghề thay vì thi Đại học đang gia tăng trong giới trẻ?
 
Đó là một xu hướng phù hợp thực tế. Các doanh nghiệp hiện đang tìm mọi cách giảm số lao động gián tiếp để phù hợp với công nghệ và dây chuyền, cơ cấu nhân lực và chú trọng nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh.
 
Cụ thể là hiện nay, do ứng dụng công nghệ quản lý hiện đại nên trong các doanh nghiệp chỉ có khoảng 5-6% là lao động gián tiếp, yêu cầu có trình độ đại học. Còn lại 94-95% là lao động trực tiếp, phải qua đào tạo nghề.
 
Do đó, nếu cứ lao vào học đại học thì thị phần lao động sẽ rất hạn chế, nhiều trường hợp phải quay về học nghề. Như vậy rất lãng phí. Chính vì vậy, bản thân một số bạn trẻ và gia đình đã có sự định hướng ngay từ đầu.
 
Nhưng học viên sau khi học nghề, thì cơ hội phát triển bản thân sẽ không cao, có đúng không thưa ông?
 
Thời gian học nghề chỉ từ mấy tháng tới tối đa là 3 năm và thường tốt nghiệp là có việc làm ngay. Hiện nay, đối với học nghề, tỷ lệ học viên ra trường có việc làm thấp nhất đạt 70%, có những nghề đạt 100%. Đặc biệt, có những nghề mà học viên vẫn đang học trong trường, các doanh nghiệp đã vào tuyển dụng, học viên có việc ngay từ năm thứ nhất, thứ hai.
 
Với học nghề, sau khi học xong, học viên vẫn có cơ hội học tiếp liên thông nếu muốn nâng cao năng lực, hoặc phấn đấu trở thành quản lý, lãnh đạo trong doanh nghiệp, thậm chí có thể mở cơ sở sản xuất riêng thu hút thêm nhiều lao động trẻ vào làm việc.
 
Việt Nam đang hội nhập sâu, thách thức đối với nguồn lực lao động trong cạnh tranh là rất lớn, ông có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ?
 

Trong những năm qua, để thực hiện hội nhập chúng ta chủ động chuẩn bị cho nguồn lao động như trình Đề án 371 (Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế giai đoạn 2012-2015). Chúng ta đã thực hiện đào tạo cán bộ giáo viên các trường nghề theo các kỹ năng đạt tiêu chuẩn các nước trong khu vực từ chuyên môn, sư phạm, ngoại ngữ đều đáp ứng được yêu cầu về nghiên cứu và giảng dạy theo chương trình tiêu chuẩn.
 
Trên cơ sở đó, lao động được đào tạo nghề của chúng ta có thể đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam hay các doanh nghiệp tại các nước khác trong khu vực.
 
Việt Nam hội nhập mở ra cơ hội cho tất cả thanh niên. Điều quan trọng với họ cũng là học xong tìm được việc làm nên cần phải suy nghĩ và phải khôn khéo lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực gắn với thực tế.
 
Xin cảm ơn ông!
 

 

Nguồn tin: H.B (Nguồn: Báo Giao thông)