Nhiệm vụ trọng tâm ngành Giáo dục-Đào tạo năm 2013

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) thành phố trong năm học 2012-2013 là thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 11 của Đảng. Đây là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều khâu, hoạt động của toàn ngành, từ trung ương đến thành phố, trong đó có hoạt động dạy học của thầy và học của trò.

Yêu cầu cấp bách về đổi mới

Từ trước đến nay, Đảng ta luôn xác định, GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, là động lực để phát triển kinh tế-xã hội, đưa đất nước ta tiến lên “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như mong ước của Bác Hồ lúc sinh thời. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển cùng đất nước, ngành GD-ĐT bộc lộ nhiều yếu kém, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của xã hội và đất nước.

Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Vũ Văn Trà, hạn chế, yếu kém của GD-ĐT hiện nay gồm 5 vấn đề: nội dung sách giáo khoa, chương trình giáo dục; cơ sở vật chất thiết bị dạy học; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; phương pháp dạy học của giáo viên và phương pháp học tập của học sinh. Trong đó, phương pháp dạy học và phương pháp học tập của học sinh là điểm hạn chế lớn nhất. Thực tế cho thấy, phương pháp dạy học, giáo dục những năm qua lạc hậu, thụ động, chưa coi học sinh là trung tâm, làm cho học sinh mất đi tính chủ động, sáng tạo, thiếu tự tin trong quá trình lĩnh hội kiến thức. Trong khi đó, hầu hết học sinh chưa biết cách tự học để “thẩm thấu” kiến thức, chủ động tìm hiểu, củng cố kiến thức.

Những hạn chế, yếu kém trên đòi hỏi cần thiết phải đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT. Tuy nhiên, đổi mới không phải phủ nhận hoàn toàn những thành tựu đã đạt được, mà đổi mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những kết quả, thành tích, nhất là thành tích của giáo dục phổ thông. Trong đó, đổi mới phương pháp dạy học là quá trình đòi hỏi sự tham gia của cả thầy và trò. Bởi người thầy dù có cố gắng đổi mới cách dạy đến đâu chăng nữa, nhưng học trò không động não, sáng tạo, không biết cách tự học, tự nghiên cứu, thì việc đổi mới cách dạy của thầy hiệu quả không cao.
Đại diện cô giáo, phụ huynh và các em học sinh trường THCS Trần Phú (quận Lê Chân) trao đổi phương pháp dạy tốt, học tốt.
Đại diện cô giáo, phụ huynh và các em học sinh trường THCS Trần Phú (quận Lê Chân) trao đổi phương pháp dạy tốt, học tốt.
 
Từ mô hình Trường THPT Vĩnh Bảo 

Là ngôi trường ở ngoại thành, xa trung tâm thành phố, đời sống vật chất của người dân còn nhiều khó khăn, học sinh chủ yếu là con em các gia đình nông dân, nhưng Trường THPT Vĩnh Bảo có chất lượng giáo dục toàn diện,  tỷ lệ học sinh thi đỗ đại học cao, 7 năm liên tục có học sinh thi đỗ thủ khoa đại học. Theo xếp hạng mới nhất của Bộ GD-ĐT, Trường THPT Vĩnh Bảo xếp thứ 155/200 trường THPT có tỷ lệ học sinh thi đại học đạt điểm cao trong cả nước.

Đầu năm học 2011-2012, thực hiện chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Sở GD-ĐT tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nhìn từ thực tiễn Trường THPT Vĩnh Bảo” thu hút sự tham gia của nhiều cán bộ quản lý, giáo viên các trường trung học và phụ huynh. Ba kết luận quan trọng được rút ra sau hội thảo là giáo viên Trường THPT Vĩnh Bảo tâm huyết, gắn bó với nghề, hết lòng với học sinh; học sinh Vĩnh Bảo chăm học, hiếu học và biết cách tự học; huyện Vĩnh Bảo không có tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, học sinh chỉ học thêm trong nhà trường với chính các thầy, cô giáo của trường. 

Thầy và trò cùng nỗ lực

Phó giám đốc Vũ Văn Trà cho rằng, phương pháp dạy học phải đổi mới  từ cách dạy áp đặt một chiều của người dạy sang tương tác đa chiều của người học; không dừng lại ở lý thuyết, minh họa mà vươn tới hoạt động thực hành, trải nghiệm, làm sinh động và hiệu quả hơn nội dung giáo dục, khiến học sinh thích thú, chủ động, tích cực tự tìm tòi, nâng cao năng lực tự học, học suốt đời, học ở mọi lúc, mọi nơi.

Sau hội thảo về mô hình Trường THPT Vĩnh Bảo, ngành GD-ĐT Hải Phòng tập trung chỉ đạo đổi mới sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn theo hướng tăng cường trao đổi kinh nghiệm dạy học, dạy bài khó, viết chuyên đề bồi dưỡng giáo viên trong nhóm, trong tổ, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy học. Trong đó, chú trọng nghiên cứu, vận dụng mô hình dạy và học của Trường THPT Vĩnh Bảo  vào công tác dạy và học của mỗi trường.

Năm học 2012-2013, Sở GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo các trường, các đơn vị tổ chức Hội thảo “Đổi mới phương pháp học tập của học sinh” giúp học sinh biết cách tự học để chủ động nắm vững kiến thức. Tại các hội thảo này, những học sinh có thành tích học tập, đã ra trường, thành đạt, được mời về trường giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm học tập với những học sinh hiện đang học trong các trường phổ thông. Hội thảo do Trường THCS Trần Phú (Lê Chân) tổ chức với sự tham gia của các em Phạm Đăng Huy, huy chương vàng Hóa học quốc tế năm 2012; Lê Huy Hùng, hiện là học sinh lớp 12 chuyên Vật lý, đỗ điểm cao nhất hai lớp chuyên Vật lý và chuyên Toán, kỳ thi vào lớp 10 Trường THPT chuyên Trần Phú năm 2010, giải nhì Vật lý quốc gia năm 2012. Hội thảo của Trường THPT Kiến An có sự tham gia của các học sinh cũ như em Đặng Thị Hà Hạnh, thủ khoa Học viện Bưu chính viễn thông năm 2005; Hoàng Thanh Tùng, hiện là sinh viên Trường đại học Ngoại thương (Hà Nội), giải nhất kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh thành phố năm 2011, giải đặc biệt Festival tiếng Anh thành phố...Sự có mặt của các học sinh cũ với thành tích học tập xuất sắc, nhất là những chia sẻ kinh nghiệm học tập, tự nghiên cứu của các học sinh này rất hiệu quả với học sinh các trường.             

Bước sang năm 2013, các trường học tại thành phố tiếp tục thực hiện mục tiêu “thầy đổi mới cách dạy, trò đổi mới cách học”, coi đây là bước đột phá trên con đường đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 11 của Đảng. Có thể “con đường” đổi mới còn dài và tốn nhiều tâm trí, sức lực, nhưng cả thầy và trò cùng nỗ lực, GD-ĐT thành phố và nước nhà sẽ thoát khỏi tình trạng lạc hậu, hội nhập nhanh với nền giáo dục các quốc gia tiên tiến.
 

Nguồn tin: www.baohaiphong.com.vn