Hải Phòng thực hiện chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên

Ngày 27-9-2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 157 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV). Đây là chủ trương đúng, có ý nghĩa xã hội sâu sắc, hợp lòng dân. Từ chương trình này, hàng nghìn HSSV hoàn cảnh khó khăn đã được vay vốn, hoàn thành ước mơ học tập, lập thân, lập nghiệp.

Kênh dẫn vốn hiệu quả

Nói về những năm trước đây khi chưa có Quyết định 157, ông Lương Hữu Huyền, Phó chủ tịch UBND, Trưởng ban đại diện HĐQT Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tiên Lãng nhắc đến trường hợp khá đặc biệt. M, quê xã Cấp Tiến học giỏi, thi đỗ Trường đại học Sư phạm I Hà Nội. Nhà nghèo, để có tiền cho con học đại học, bố mẹ của M phải bán nhà, khăn gói theo con lên Hà Nội. Hằng ngày, bố M làm nghề sửa chữa xe, mẹ bán hàng rong gần nơi M học. Khi M tốt nghiệp đại học, cả gia đình cô lại về quê mưu sinh. M nhận công tác tại Trường THPT Tiên Lãng, trở thành cô giáo ngay trên quê hương mình. Ông Huyền khẳng định, không phải gia đình nào cũng dám làm như bố mẹ cô giáo M. Không ít gia đình vì nghèo mà con cái đành bỏ dở ước mơ học tập.

Từ năm 2007 đến nay, Quyết định 157 về tín dụng đối với HSSV trở thành cứu cánh cho nhiều HSSV của huyện Tiên Lãng. Đến hết tháng 8-2012, dư nợ cho HSSV vay vốn trên địa bàn huyện đạt gần 69 tỷ đồng, tăng gần 9,3 lần so với năm 2007 với hơn 4200 hộ được vay vốn. Trong số hàng nghìn gia đình hoàn cảnh khó khăn được vay vốn từ chương trình này có gia đình chị Đinh Thị Hằng ở xóm Giáo, xã Đoàn Lập. Bố, mẹ mất sớm, chị phải đứng tên vay tiền cho em trai đi học Trường đại học Hàng hải; bà Nguyễn Thị Khanh ở thôn Khôi Vĩ Thượng, xã Quang Phục, chồng mất sớm, phải vay tiền cho hai con học đại học ở Hà Nội...

Theo ông Lưu Đình Thái, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Hải Phòng, 5 năm qua, thành phố xây dựng mạng lưới với hơn 2900 tổ tiết kiệm và vay vốn tại 223 xã, phường, thị trấn, cùng với 211 điểm giao dịch tạo thành kênh dẫn vốn có hiệu quả đến với HSSV, góp phần thực hiện dân chủ, công khai trong hoạt động tín dụng chính sách. Tổng nguồn vốn chương trình cho HSSV hoàn cảnh khó khăn vay gần 535 tỷ đồng. Tính đến ngày 30-9-2012, doanh số cho vay đạt 634,6 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt hơn 490,4 tỷ đồng với gần 35 nghìn HSSV được vay vốn để học tập. Trong số gần 35 nghìn HSSV được vay vốn, khoảng 12 nghìn HSSV vay vốn để theo học các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh; hơn 2500 HSSV học ngành sư phạm; gần 400 HSSV học ngành nông, lâm, thủy sản; hơn 12 nghìn HSSV học các ngành kỹ thuật, công nghệ; gần 500 HSSV học các ngành văn hóa, nghệ thuật...

Phó hiệu trưởng Trường đại học Hải Phòng Nguyễn Thị Hiên cho biết, mỗi năm Trường đại học Hải Phòng đào tạo từ 10  đến 15 nghìn sinh viên. Trong số này, không ít sinh viên gặp khó khăn về tiền học phí và các khoản chi phí để trang trải cuộc sống tối thiểu. Cho HSSV vay vốn học tập theo Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ là chương trình an sinh xã hội, được triển khai thành công tại Trường đại học Hải Phòng. 5 năm qua, gần 36  nghìn sinh viên của trường đã được vay vốn để học tập, giúp các sinh viên có điều kiện thực hiện ước mơ trên con đường học vấn.

Sớm điều chỉnh mức vay phù hợp hơn

Bên cạnh những kết quả có ý nghĩa về an sinh xã hội, chương trình tín dụng HSSV 5 năm qua cũng còn một số hạn chế. Theo Giám đốc Sở  Giáo dục-Đào tạo thành phố Đỗ Thế Hùng, công tác kiểm tra, giám sát việc cho HSSV vay vốn học tập ở một số địa phương chưa thường xuyên, chặt chẽ. Việc xác định tiêu chí hộ có hoàn cảnh khó khăn ở một số địa phương còn lúng túng. Có tình trạng người được thụ hưởng chương trình sử dụng vốn vay chưa đúng mục đích, thiếu trách nhiệm trả nợ khi đến hạn, dẫn đến việc nợ quá hạn có chiều hướng gia tăng... 

Để chương trình có ý nghĩa nhân văn này tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn thành phố, Giám đốc Đỗ Thế Hùng cho rằng Ngân hàng chính sách xã hội cần làm tốt hơn việc tập huấn nghiệp vụ cho các tổ tín dụng, tổ vay vốn để nâng cao trình độ quản lý vốn ưu đãi. Với tốc độ trượt giá như những năm qua và hiện nay, việc cho vay với mức 1 triệu đồng/tháng/ HSSV không còn phù hợp, đề nghị Chính phủ điều chỉnh mức cho vay lên 1,5 triệu đồng/tháng; đồng thời, ban hành chính sách cho vay đối với hộ có 2 con trở lên đang đi học nhưng chưa thuộc diện được vay vốn theo quy định, để giảm khó khăn cho các gia đình.  Các cơ sở đào tạo, tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác, chính quyền cơ sở... cần đẩy mạnh tuyên truyền để người vay vốn nâng cao ý thức sử dụng đồng vốn, thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn. Những trường hợp lợi dụng chính sách, cố ý thực hiện sai chính sách tín dụng HSSV cần được xử lý nghiêm.

Nguồn tin: www.baohaiphong.com.vn