Luật giáo dục nghề nghiệp mới

Luật giáo dục nghề nghiệp mới
Hiệu lực thi hành từ 01/7/2015
LUẬT GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP VÀ ĐỊNH HƯỚNG TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT TRONG THỜI GIAN TỚI
 
Thực hiện Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26/11/2011 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, theo phân công của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổ chức xây dựng Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề. Trong quá trình thực hiện, Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề đã được đổi tên, mở rộng phạm vi điều chỉnh thành Dự án Luật Giáo dục nghề nghiệp.



Ảnh: Kỳ họp Quốc hội
 
Ngày 27 tháng 11 năm 2014, Luật Giáo dục nghề nghiệp đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8, có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 7 năm 2015. Có thể nói, đây là một đạo luật đã thể chế hóa triệt để chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI.
I. Sự cần thiết ban hành Luật Giáo dục nghề nghiệp
1. Xác định tầm quan trọng của nhân lực nói chung, nhân lực lao động trực tiếp nói riêng trong phát triển kinh tế đất nước, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định:“Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ” là một trong ba đột phá chiến lược trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 (1).
Giáo dục nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng được coi là động lực quan trọng nhất cho sự phát triển (2một nhân tố quyết định để thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", trong đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (3).
Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề theo hướng mở rộng phạm vi, điều chỉnh đến đối tượng các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng chuyên nghiệp, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là một trong những giải pháp cơ bản, có tính cấp bách để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay.
2. Luật Dạy nghề được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2006 và có hiệu thực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2007. Qua tổng kết, đánh giá 5 năm thi hành, có thể khẳng định Luật Dạy nghề đã thực sự đi vào thực tiễn, mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ trong phát triển nhân lực cho quốc gia. Các quy định của Luật Dạy nghề đã điều chỉnh hầu hết các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực dạy nghề. Cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Dạy nghề đã tạo nên một hệ thống pháp luật về dạy nghề tương đối đồng bộ, thống nhất, góp phần thúc đẩy dạy nghề phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp quan trọng nêu trên, do tình hình kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, giáo dục, đào tạo nói riêng đã có những thay đổi, nên một số quy định trong Luật Dạy nghề không còn phù hợp với thực tiễn. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật hẹp, chỉ bao gồm các cơ sở dạy nghề, trong khi giáo dục nghề nghiệp không chỉ có cơ sở dạy nghề mà còn cả các trường trung cấp chuyên nghiệp; một số quy định của Luật Dạy nghề chưa tạo được cơ chế linh hoạt, phù hợp với tính đa dạng, phong phú trong dạy nghề; một số quy định của Luật Dạy nghề tính khả thi chưa cao; một số quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động dạy nghề nhưng chưa được Luật điều chỉnh hoặc có điều chỉnh nhưng chưa cụ thể; một số quy định của Luật Dạy nghề chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống các văn bản luật khác có liên quan được ban hành trong thời gian qua.v.v.....
3. Theo quy định của Luật Giáo dục (4), hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam bao gồm trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề. Dạy nghề bao gồm ba trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Giáo dục đại học bao gồm các trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Như vậy, trong hệ thống giáo dục có 2 trình độ trung cấp (trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề), 2 trình độ cao đẳng (cao đẳng nghề và cao đẳng) và do 2 cơ quan quản lý khác nhau (Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý trung cấp nghề và cao đẳng nghề). Điều này đã tạo lên bất cập lớn trong cơ cấu trình độ nghề nghiệp ở Việt Nam những năm qua và nhất là không tương đồng với khung trình độ giáo dục ở các quốc gia trên khu vực và thế giới.
4. Yêu cầu hội nhập quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng, trước mắt vào năm 2015, Việt Nam tham gia vào Cộng đồng ASEAN, đòi hỏi dạy nghề cần phải đổi mới cho phù hợp với tình hình trong nước, khu vực và quốc tế.
Với những lý do nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh, phát triển thành Luật Giáo dục nghề nghiệp là cần thiết, cấp bách để đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI), giải quyết những hạn chế, bất cập của Luật Dạy nghề, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, tạo tiền đề, động lực cho giáo dục nghề nghiệp phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động trong nước và tham gia thị trường lao động quốc tế.
II. Cấu trúc và nội dung cơ bản của Luật Giáo dục nghề nghiệp
Luật Giáo dục nghề nghiệp có 8 chương, 79 điều bao gồm:
- Chương 1: Quy định những vấn đề chung bao gồm 9 điều về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; quy định về mục tiêu, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chính sách của nhà nước về phát triển giáo dục nghề nghiệp, xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp.v.v.....
Luật Giáo dục nghề nghiệp đã mở rộng phạm vi, đối tượng, điều chỉnh đến trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng chuyên nghiệp. Theo đó, trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp bao gồm: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp và trường cao đẳng.
- Chương 2: Quy định về cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm 3 mục với 32 điều về tổ chức cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chính sách đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, hội đồng trường, hội đồng quản trị của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, quy định các chính sách hỗ trợ cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tạo sự bình đẳng hơn giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và tư thục.
- Chương 3: Quy định về hoạt động đào tạo và hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp bao gồm 3 mục với 19 điều về đào tạo nghề nghiệp chính quy, đào tạo nghề nghiệp thường xuyên và hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp.
Nội dung chương này quy định về việc tuyển sinh, hợp đồng đào tạo; thời gian đào tạo, chương trình giáo trình đào tạo, tổ chức quản lý đào tạo, văn bằng chứng chỉ trong đào tạo chính quy và thường xuyên.
- Chương 4: Quy định về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo giáo dục nghề nghiệp (2 điều).
Tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm từ việc triển khai thi hành Luật Dạy nghề, quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong Luật Giáo dục nghề nghiệp được thể hiện rõ nét hơn, doanh nghiệp được nhiều quyền hơn, nhưng trách nhiệm cũng được nâng cao hơn. Bài toán về lợi ích của doanh nghiệp khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã được giải quyết. Doanh nghiệp được trừ để tính thu nhập chịu thuế khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
- Chương 5: Quy định về nhà giáo và người học bao gồm 2 mục với 12 điều (trình độ chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn, chính sách đối với nhà giáo....; nhiệm vụ, quyền hạn, chính sách đối với người học....).
Nhà giáo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp có các chức danh giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp; giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp; được hưởng các chính sách như đối với nhà giáo khác (tiền lương theo chức danh, được tôn vinh, kéo dài thời gian làm việc.v.v…); được hưởng phụ cấp đặc thù cho người vừa dạy thực hành, người vừa dạy lý thuyết, vừa dạy thực hành (Điều 53, Điều 58).
Thực hiện miễn học phí cho một số đối tượng chính sách xã hội, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, người học các nghề khó tuyển sinh, nghề đặc thù; mở rộng đối tượng học nghề nội trú; bổ sung các chính sách ưu tiên trong tuyển dụng người qua đào tạo nghề nghiệp, chính sách tiền lương và một số chính sách khác (Điều 62).
- Chương 6: Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp (6 điều) bao gồm: Mục tiêu, đối tượng, nguyên tắc kiểm định; tổ chức, quản lý kiểm định; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; sử dụng kết quả kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp....
Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp được thực hiện với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chương trình đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp.
Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp bao gồm: Tổ chức kiểm định do Nhà nước thành lập và tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp do tổ chức, cá nhân thành lập.
- Chương 7: Quy định quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp (4 điều).
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và sẽ quy định cụ thể về cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
- Chương 8: Quy định về điều khoản thi hành (5 điều), bao gồm: Quy định về hiệu lực thi hành; sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục; sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học, điều khoản chuyển tiếp và quy định chi tiết.
Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015 và bãi bỏ các quy định về trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp tại Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 44/2009/QH12 và Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13.
3. Một số nội dung triển khai thi hành Luật
Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015. Để triển khai thi hành Luật, nhiều nội dung sẽ phải được chuẩn bị. Có thể nêu lên đây một số nội dung sau:
a) Về cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở Trung ương
Luật Giáo dục nghề nghiệp không quy định cụ thể cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương. Tuy nhiên, về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình Dự thảo Luật đều đã có văn bản đề nghị Quốc hội giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương (5).  Do vậy, mặc dù không quy định trong Luật nhưng thông qua các văn bản nêu trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang là cơ quan chủ trì triển khai thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp. Vấn đề này sẽ được Chính phủ chính thức giao trong Nghị định quy định về quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
b) Về tái cấu trúc hệ thống giáo dục nghề nghiệp
Với nhiều sự đổi mới theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp nên hệ thống các cơ quan quản lý, các cơ sở dạy nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng sẽ được tái cấu trúc, cụ thể:
- Tổng cục Dạy nghề sẽ được đổi tên thành Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (vì Luật không sử dụng thuật ngữ "dạy nghề"), đồng thời tổ chức bộ máy quản lý giáo dục nghề nghiệp từ trung ương đến địa phương sẽ được kiện toàn, bổ sung để tương xứng với chức năng, nhiệm vụ mới;
- Các cơ sở dạy nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng sẽ được đổi tên theo quy định của Luật. Trung tâm dạy nghề sẽ được đổi tên thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp để thực hiện hai chức năng dạy nghề và giáo dục hướng nghiệp. Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp ở các địa phương trước đây thuộc giáo dục phổ thông sẽ được sáp nhập vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định của Luật chỉ có 2 trung tâm này được sáp nhập, chứ không có trung tâm giáo dục thường xuyên như đang thí điểm hiện nay ở một số địa phương.
c) Xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật
Luật Giáo dục nghề nghiệp giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương ban hành theo thẩm quyền nhiều nội dung để triển khai thi hành Luật.
Theo thống kê có khoảng 05 Nghị định của Chính phủ, 04 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 2 thông tư của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương phải được ban hành trước ngày Luật có hiệu lực thi hành.
Ngoài các văn bản nêu trên, còn một số các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến tổ chức hoạt động đào tạo cần cũng phải được sửa đổi ngay để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về giáo dục nghề nghiệp. Ví dụ như danh mục ngành, nghề đào tạo của giáo dục nghề nghiệp, vấn đề tuyển sinh, chế độ làm việc của nhà giáo.v.v...
d) Tuyên truyền, phổ biến Luật Giáo dục nghề nghiệp
Thực hiện quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, để mọi người dân và nhất là các đối tượng chịu tác động của Luật Giáo dục nghề nghiệp hiểu biết, nắm được các quy định của Luật, từ nay đến năm 2015, 2016, Luật Giáo dục nghề nghiệp sẽ được tuyên truyền, phổ biến đến mọi đối tượng thông qua các hình thức như họp báo, thông cáo báo chí, cung cấp thông tin, tài liệu về Luật hoặc tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; đăng tải trên Công báo, trên trang thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Dạy nghề; tổ chức các lớp tuyên truyền, bồi dưỡng trực tiếp cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; in ấn, phát hành các tài liệu tuyên truyền về Luật Giáo dục nghề nghiệp.v.v...
đ) Một số công việc khác
- Hướng dẫn công tác tuyển sinh, xây dựng chương trình, giáo trình giảng dạy theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp;
- Tiến hành rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Điều 8 của Luật Giáo dục nghề nghiệp; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nghề trọng điểm, các trường chất lượng cao để phù hợp với hệ thống mới.Ngoài việc đầu tư cho các nghề trọng điểm theo quy hoạch, sẽ ưu tiên đầu tư cho các trường là trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng từ hệ thống giáo dục chuyển sang./.
 
[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, NXB Chính trị quốc gia
[2] Kết luận số 51-KL/TW ngày 29/10/2012 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành  TW Khóa XI
[3] Nghị quyết số 29-NQ-TW ngày 4 tháng 11 năm 2013, Ban Chấp hành TW Đảng (Khóa XI)
[4] Quốc hội (2005), Luật Giáo dục, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội;
[5] Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 4/9/2014 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8; Thông báo số 362/TB-VPCP ngày 8/9/2014 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo tại phiên họp thứ nhất của Ủy ban; Báo cáo số 386/BC-CP ngày 9/10/2014 của Chính phủ gửi Quốc hội ; Báo cáo số 746/BC-UBTVQH13 ngày 8/10/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề

Tác giả bài viết: PGS. TS. Dương Đức Lân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề

Nguồn tin: tcdn.gov.vn