Đào tạo nghề qua thiết bị trực quan

Đào tạo nghề qua thiết bị trực quan
Mô hình thiết bị “Khai thác hải sản bằng lưới vây”của Trường cao đẳng nghề công nghệ kinh tế và thủy sản vừa đoạt giải nhất trong Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc năm 2016 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức. Mô hình giúp học sinh, sinh viên học nghề tốt hơn nhờ trực quan, sinh động.
Đây là sản phẩm tự nghiên cứu, chế tạo của các cán bộ quản lý và giảng viên trực tiếp giảng dạy của trường Cao đẳng nghề công nghệ, kinh tế và thủy sản gồm thạc sĩ Hồ Đình Hải, thạc sĩ Trần Thị Huệ, kỹ sư Lê Văn Hướng và thạc sĩ Phạm Sỹ Tấn.  Chia sẻ về ý tưởng sáng tạo mô hình, thiết bị “Khai thác hải sản bằng lưới vây”, thạc sĩ Hồ Đình Hải, hiệu trưởng nhà trường, trưởng nhóm tác giả cho biết: “Trường vốn có truyền thống dạy nghề trong lĩnh vực khai thác thủy sản. Trong chiến lược quốc gia hướng ra biển lớn hiện nay, ngư dân chính là những người giữ biển và khai thác nguồn lợi hải sản hiệu quả. Để giúp học sinh, sinh viên nghề khai thác hàng hải thủy sản có những hiểu biết cơ bản về nghề, về trang thiết bị, dụng cụ phục vụ nghề trước khi đi thực tế sản xuất trên biển, chúng tôi nghiên cứu, chế tạo mô hình này”. Với mô hình được học trên lớp sinh động, trực quan, nhóm tác giả chế tạo mô hình hy vọng sẽ giúp học sinh, sinh viên thích thú hơn trong học tập và tìm hiểu về nghề.
 


Ảnh lưu niệm - Đoàn Hải Phòng tham dự Hội thi tại Lễ khai mạc

 

Thiết bị được chế tạo và thực hiện phục vụ giảng dạy các môn học, mô đun: Khai thác hải sản bằng lưới vây; quy tắc phòng ngừa va chạm tàu thuyền trên biển; nguyên lý tàu thuyền. Áp dụng cho đào tạo nghề khai thác hàng hải thủy sản trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề. Mô hình gồm các bộ phận chính: Tàu cá, vàng lưới vây, giá đỡ tàu và lưới, bộ điều khiển. Các bộ phận trên hợp thành, mô tả quy trình khai thác hải sản bằng lưới vây như trong thực tế sản xuất trên biển. Đầu tiên điều khiển tàu để thả lưới khép kín vòng vây, sau đó điều khiển máy tời thu dây giềng rút. Hệ thống đèn, còi trên tàu sẽ được điều khiển từ xa. Mô hình thể hiện quá trình khai thác cũng như nhiều yếu tố khác liên quan đến nghề khai thác hải sản như vật liệu ngư cụ, kết cấu tàu thuyền, trang thiết bị trên tàu.
 



Hình ảnh Mô hình "Khai thác Hải sản bằng lưới vây"

 

Thạc sĩ Phạm Sỹ Tấn, thành viên nhóm tác giả cho biết, vật liệu thi công mô hình đều có sẵn hoặc rất dễ tìm kiếm như sắt, I nốc, nhưạ compo sit, nhựa fomex, sợi thủy tinh, chỉ lưới… nên giá thành của thiết bị không quá lớn (15 triệu đồng) chỉ bằng khoảng 1/700 giá trị của thiết bị thực tế sản xuất trên biển. Hơn nữa, thiết bị được rút gọn, thể hiện đầy đủ quá trình khai thác hải sản trên biển nhưng không quá tốn diện tích để trình bày, phù hợp với phạm vi lớp học, thuận tiện cho việc tháo rời khi di chuyển, sửa chữa và nâng cấp thiết bị. Thiết bị có chiều cao lớn nhất 1,5m; đường kính 2 đường ray tàu chạy 1,5 và 1,8m. Đường kính vòng treo vàng lưới vây 1,3m. Tàu cá có tỷ lệ thu nhỏ 1/34 so với tàu cá thật. Đối với vàng lưới vây có chiều dài rút gọn 5,3m, tỷ lệ thu nhỏ so với lưới thật là 1/145; chiều cao rút gọn 0,9 m. Mô hình tàu cá sử dụng mẫu tàu đánh cá vỏ thép 600CV ở Vịnh Bắc Bộ. Thông qua mô hình phục vụ dạy học, các tác giả thiết kế cũng hy vọng truyền được cảm hứng cho học sinh sinh viên đối với nghề khai thác hải sản và tình yêu biển cả.

 


Tác giả bài viết: Phương Nam

Nguồn tin: Báo Hải Phòng